Một phần công việc của những Kỹ sư ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông
Hiểu rõ ngành nghề để có định hướng đúng đắn
Bí quyết đầu tiên và cơ bản để đặt nền móng cho sự thành công là bạn phải hiểu rõ ngành mình sẽ và đang theo đuổi là như thế nào để có kế hoạch học tập khoa học cũng như định hướng nghề nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân và yêu cầu của xã hội.
Ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông có chuyên ngành rất quen thuộc đó chính là Xây dựng Cầu dường. Nhắc đến Kỹ sư Xây dựng Cầu đường ai cũng sẽ biết đó là những người thiết kế, giám sát thi công, quản lý và khai thác các công trình cầu, đường,... Với tên chuyên ngành cụ thể như vậy, Đại học Duy Tân đã phần nào giúp các bạn trẻ bước đầu tiên có được hình dung cơ bản về chính ngành nghề mình sẽ và đang học. Từ đó, có được những định hướng đúng đắn và phù hợp trong suốt quá trình học tập cũng như xác định được hướng đi cho tương lai nghề nghiệp sau này.
Cầu Rồng là một trong những công trình xây dựng giao thông có thiết kế đẹp và độc đáo của Tp. Đà Nẵng
Vậy khi theo học ngành Ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông mà cụ thể là chuyên ngành Xây dựng Cầu đường như ở Đại học Duy Tân, sinh viên sẽ học gì?
Cụ thể, sinh viên được chú trọng đào tạo chuyên sâu về thiết kế và thi công công trình cầu, đường. Ngoài những kiến thức đại cương theo quy định, sinh viên sẽ được học về kiến trúc công trình cầu, đường, hầm,… cả trong đô thị và ngoài đô thị; học cách thiết kế, thi công, quản lý và sửa chữa các công trình cầu, đường. Trong suốt quá trình học tập, sinh viên học chuyên ngành Xây dựng Cầu đường sẽ được tiếp cận với mô hình CDIO (Conceive/Hình thành ý tưởng) - Design/Thiết kế - Implement/Triển khai - Operate/Vận hành) đồng thời được đào tạo sâu các kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, tiếp cận thực tế sản xuất trong lĩnh vực xây dựng Công trình Cầu đường nói riêng và ngành Xây dựng Công trình nói chung.
Những tố chất cần có để thành công
Những công trình giao thông về cầu, đường, hầm,... do những kỹ sư theo học ngành Ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông thiết kế, thi công và đưa vào sử dụng không chỉ nhằm đáp ứng các nhu cầu về đi lại, vận chuyển, giao thương hàng hóa,... trong đời sống hàng ngày mà còn phải đảm bảo được những yêu cầu về chất lượng công trình, độ bền theo thời gian sử dụng và tính thẩm mỹ đối với cảnh quan xung quanh. Bởi vậy, để trở thành những kỹ sư giỏi, bạn cần có những yếu tố như:
- Giỏi về các môn tự nhiên: Đây không phải là yêu cầu riêng đối với những kỹ sư xây dựng mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với nhiều ngành nghề, nhất là với ngành liên quan đến kỹ thuật. Bởi, đây là ngành đòi hỏi bạn phải đưa ra những tính toán, số liệu chính xác. Một công trình nếu có bất kỳ một sai sót hay chênh lệch về số liệu trên bản vẽ, dù chỉ là sai số nhỏ nhất cũng sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng.
- Đam mê và luôn sáng tạo: Nhắc đến Kỹ sư Xây dựng là nhắc đến những chuyến đi, từ miền quê đến thành phố, từ đồng bằng đến miền núi,... Thế nên, khi đã xác định theo đuổi ngành Ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông bạn phải luôn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề nghiệp, chấp nhận những chuyến đi xa gia đình, người thân trong một khoảng thời gian dài, thích nghi được với những điều kiện làm việc khắc nghiệt. Hơn nữa, ngành này là một trong những ngành có nhiều áp lực và một công trình có thể kéo dài suốt nhiều năm nên nếu không có niềm đam mê, tình yêu nghề sẽ khiến bạn dễ chán nản và bỏ cuộc. Bên cạnh đó, để có thể thiết kế nên những công trình như những cây cầu độc đáo, đẹp mắt như cầu Rồng ở Đà Nẵng, đòi hỏi bạn phải luôn sáng tạo không ngừng nghỉ. Những công trình do bạn thiết kế như một “tác phẩm nghệ thuật” và khi được xã hội đón nhận thì đó chính là thành công lớn nhất đối với “tác giả”.
- Có tư duy logic: Điều này sẽ giúp bạn tiếp cận, triển khai thực hiện các công trình, dự án theo các nguyên tắc kỹ thuật, nguyên lý xây dựng dễ dàng hơn.
- Tinh thần hợp tác, khả năng làm việc theo nhóm và chịu được áp lực công việc cao: Mỗi công trình giao thông là một dự án lớn và phức tạp, đòi hỏi sự chung sức của rất nhiều người, nhiều bộ phận khác nhau. Do đó, những người tham gia công trình, bên cạnh năng lực làm việc và nghiên cứu độc lập thì tất yếu phải có khả năng phối hợp, làm việc theo nhóm.
Nguồn: Truyền thông DTU