star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Giới thiệu khoa Điện điện tử


Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Khoa Điện-Điện tử (Faculty of Electrical and Electronic Engineering) được thành lập vào ngày 16 tháng 4 năm 2009 theo Quyết định số 403/QĐ-ĐHDT của Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân.

Đội ngũ giảng viên khoa Điện Điện tử - Trường Công nghệ - Đại học Duy Tân

Sự hình thành và phát triển của Khoa Điện-Điện tử gắn liền với sự trưởng thành và phát triển của Trường Đại học Duy Tân. Năm 2009, với định hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, Trường Đại học Duy Tân được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở ngành đào tạo Công nghệ Kỹ thuật Điện-Điện tử, chuyên ngành Điện tử viễn thông.

Hiện nay, Khoa Điện-Điện tử quản lý và đảm nhận về chuyên môn của tất cả học phần thuộc 5 chương trình đạo tạo kỹ sư thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện-Điện tử gồm: Điện tử viễn thông, Điện tự động, Hệ thống nhúng, Cơ điện tử chuẩn Đại học Purdue và Điện-Điện tử chuẩn Đại học Purdue. Tháng 6/2019, Khoa Điện-Điện tử đã tiến hành đăng ký kiểm định quốc tế chuẩn ABET (Hoa Kỳ) cho Chương trình đào tạo Công nghệ Kỹ thuật Điện-Điện tử (Electronic and Electrical Engineering). Tháng 11/2019, đoàn thẩm định đến làm việc tại trường nằm đánh giá về hồ sơ minh chứng theo chuẩn ABET. Kết quả, chương trình đào tạo Công nghệ Kỹ thuật Điện-Điện tử (Electronic and Electrical Engineering) đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuẩn này.

Hiện tại, Khoa Điện-Điện tử  có 31 giảng viên cơ hữu, trong đó giảng viên có chức danh GS. TSKH và PGS.TS là 2 người, 9 tiến sĩ và 16 thạc sĩ thuộc lĩnh vực Điện-Điện tử. Đội ngũ giảng viên cơ hữu có thể đảm nhiệm 85% - 90% khối lượng giảng dạy. Đây là nguồn nhân lực chính đảm nhiệm giảng dạy các học phần chuyên ngành đào tạo của khoa. Đội ngũ giảng viên của trường tuổi đời còn trẻ, hầu hết không ngừng học tập để trưởng thành. Điều này làm cơ sở để khoa từng bước đào tạo một đội ngũ nhà giáo giỏi, có uy tín trong tương lai gần.

Thông qua nhà trường, Khoa Điện-Điện tử còn hợp tác, trao đổi, nghiên cứu, mời giảng viên thỉnh giảng tại rất nhiều trường đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo Điện-Điện tử như Trường Đại học công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa -  Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học giao thông vận tải tp HCM,... Đặc biệt, Khoa Điện-Điện tử - Trường Đại học Duy Tân đã được Trường Kỹ thuật công nghệ  - Đại học Purdue Northwest (Hoa Kỳ) trợ giúp và tham gia trong quá trình xây dựng và phát triển của đội ngũ, xây dựng chương trình đào tạo lĩnh vực Điện-Điện tử  từ 2017 đến nay.

Quá trình hợp tác quốc tế đã tạo điều kiện để Khoa Điện-Điện tử tổ chức thành công nhiều hội nghị/hội thảo, tọa đàm khoa học trong và ngoài nước, cụ thể như:

  • Hội nghị quốc tế: EAI International Conference on Industrial Networks and Intelligent Systems (INISCOM);
  • Hội nghị quốc tế: The International Conference on Recent Advances in Signal Processing, Telecommunications & Computing – SigTelCom;
  • Hội nghị Quốc tế về Máy tính, Quản lý và Truyền Thông (2013, 2014, 2015) - The International Conference on Computing, Management and Telecommunications (ComManTel);

Hàng năm, Khoa tổ chức Hội nghị khoa học về lĩnh vực Điện, Điện tử viễn thông và Tự động hoá với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo cơ hội hợp tác phát triển giữa các nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên hoạt động trong lĩnh vực Điện - Điện tử. Bên cạnh đó các giảng viên của Khoa cũng đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, Nafosted, cấp bộ, cấp thành phố,…tham gia và có tham luận tại nhiều hội thảo trong nước và quốc tế cũng như có nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế.

Khoa Điện-điện tử đã đào tạo 6 khóa sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện-điện tử, với 583 tốt nghiệp ra trường. Hiện tại Khoa Điện-điện tử đang đào tạo 553 sinh viên đang theo học ở các khóa. Với chủ trương đào tạo gắn liền với trải nghiệm thực tiễn, trong những năm qua, Khoa Điện-điện tử đã có nhiều hoạt động thiết thực gắn kết với các tổ chức đoàn thể cũng như các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn thành phố Đà Nẵng. Khoa thường xuyên mời các chuyên gia từ các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường đại học tham gia hội đồng khoa học Khoa, hướng dẫn đồ án tốt nghiệp cho sinh viên. Các hoạt động này không chỉ giúp cho sinh viên có thêm các kiến thức từ thực tế cuộc sống mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Định kỳ Khoa lấy ý kiến của doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể liên quan về chương trình đào tạo để kịp thời điều chỉnh chương trình, kiến thức cho phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.

Được sự đầu tư đầy đủ từ Nhà trường, sinh viên khoa Điện-điện tử được thực hành trong các phòng thực hành được xây dựng theo chuẩn quốc tế với trang thiết bị hiện đại, phong phú, đúng với phương châm giảng dạy của Khoa là đào tạo gắn liền với thực nghiệm, lấy thực hành làm trọng tâm, học gắn với Lab, gắn với doanh nghiệp nên khi ra trường sinh viên có thể làm việc được ngay. Sinh viên của Khoa còn có thể tự nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu ở thư viện với hàng nghìn đầu sách cơ bản & chuyên ngành với nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngoài ra, sinh viên được tham gia vào nhiều cuộc thi như: Thiết kế mạch, IoT, Robot, Năng lượng tái tạo và khởi nghiệp; tham gia các hội nghị, hội thảo chuyên ngành; dã ngoại, thực tế; tham quan các cơ quan, các doanh nghiệp sản xuất,… để hiểu sâu hơn bài giảng trên lớp. 

Trên nền tảng đó, sinh viên Khoa Điện-Điện tử đã gặt hái được nhiều thành tích:

  • Giải nhì quốc tế với dự án “Mẫu Chữ cái Năng lượng Mặt trời và Pin” trong Cuộc thi CDIO Academy 2013 diễn ra tại Học viện MIT và Đại học Harvard (Hoa Kỳ).
  • Giải “Women in Bussiness” tại Atlanta, Hoa Kỳ cho dự án “Thu năng lượng từ phanh xe máy” do công ty Schneider Electric tổ chức năm 2018.
  • Vô địch cuộc thi Giải pháp xanh cho thành phố (Go Green in the city) 2 năm liền năm 2017, 2018 do công ty Schneider Electric tổ chức.
  • Giải ba cuộc thi Giải pháp xanh cho thành phố (Go Green in the city) năm 2018 do công ty Schneider Electric tổ chức.
  • Giải nhì và ba cuộc thi Giải pháp xanh cho thành phố (Go Green in the city) năm 2019 do công ty Schneider Electric tổ chức.
  • Giải ba sinh viên NCKH của Bộ GD&ĐT năm 2017.
  • Giải ba sinh viên NCKH thành phố Đà Nẵng năm 2017.
  • Giải ba Robocon toàn quốc năm 2014.
  • 4/6 đội vào chung kết toàn quốc Robocon 2014.
  • Giải phong cách Robocon 2014 (DTU_CMU1).
  • 4/6 đội vào chung kết toàn quốc Robocon 2013.
  • Robot điều khiển bằng tay xuất sắc nhất 2013 (DTU_TITAN).
  • Robot tự động xuất sắc nhất 2013 (DTU_POLLUX).
  • Giải khuyến khích về thiết kế vi điều khiển của Hãng Texas Instruments, Hoa Kỳ, năm 2013.
  • Giải triển vọng về thiết kế vi điều khiển của Hãng Texas Instruments, Hoa Kỳ, năm 2014.
  • Giải khuyến khích giải thưởng Sinh viên NCKH Euréka 2016.
  • Giải nhất và giải ba báo cáo tại Hội nghị khoa học Trường Đại học Duy Tân.
  • Giải nhất cuộc thi Thử thách sáng tạo có mục tiêu TIC 2016.

Với phương châm “Tất cả vì quyền lợi học tập và việc làm của sinh viên”, qua 26 năm phát triển cùng với sự phát triển của Trường, Khoa Điện-Điện tử đã nỗ lực xây dựng nội dung đào tạo các môn học thuộc lĩnh vực Điện-Điện tử cho tất cả các ngành và chuyên ngành tại Trường Đại học Duy Tân, đồng thời phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo về Điện-Điện tử phù hợp xu thế thời đại để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng nhất.