star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

“Phát sốt” với Kiệt tác Vẽ lên bàn của Tân Sinh viên Đại học Duy Tân


Không chỉ háo hức truyền tay nhau mà cư dân mạng đang ráo riết “truy lùng” tác giả của những tác phẩm nghệ thuật có nhiều họa tiết cầu kỳ đang gây “sốt” trên mạng xã hội. Và thật bất ngờ khi đó chính là Thân Văn Tấn - vừa chân ướt chân ráo trở thành sinh viên năm Nhất ngành Thiết kế Đồ họa của Đại học Duy Tân.

Đó những tác phẩm hội họa nhưng không phải vẽ trên giấy hay trên tường mà được thể hiện ngay trên bàn học bằng… bút xóa. Văn Tấn cho biết: “Những tác phẩm này em thực hiện cách đây 4 tháng khi còn là học sinh lớp 12. Trong một lần phải ngồi đối diện với mặt bàn học bị bôi bẩn với rất nhiều nét bút xóa cùng nhiều từ ngữ không đẹp, em đã nảy sinh ý tưởng ‘thay áo’ mới cho mặt bàn. Ngay khi cạo sạch những vết bút cũ trên bàn, em đã dùng bút xóa để vẽ. Cũng mãi sau này tìm hiểu em mới biết đó là thể loại Doodle Art - một dạng nghệ thuật của tiềm thức khi người vẽ có thể thỏa sức sáng tạo qua ngòi bút ngẫu hứng của mình. Đó là một bức tranh được tạo nên bởi những nét vẽ nguệch ngoạc tưởng chừng như không liên quan nhưng lại tạo thành một tổng thể hài hòa khi hoàn thành.”

 

Thân Văn Tấn - Sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa của Đại học Duy Tân

Tác phẩm đầu tiên của Văn Tấn được thực hiện trong khoảng 3-4 tiếng. Ngay khi hoàn thành, bạn bè đã rất thán phục và đều tỏ ra thích thú với bức họa trên mặt bàn. Các bạn đã ủng hộ và khuyến khích Văn Tấn tiếp tục vẽ thêm các bức họa khác. Muốn mặt bàn trở nên đẹp hơn đồng thời  kích thích sự sáng tạo trong học tập của học sinh, Văn Tấn đã tranh thủ mỗi giờ ra chơi để vẽ. Chỉ với một cây bút xóa, Tấn đã có thể “dệt” nhiều bức tranh trên mặt bàn học đã xuống cấp theo thời gian. Hiện tại, Văn Tấn đã vẽ được 6 tác phẩm trên 6 bàn học với rất nhiều các chi tiết cầu kỳ.

Điều bất ngờ hơn cả đó là trước khi cho ra đời những bức vẽ này, Văn Tấn chưa từng tham gia một trường lớp hội họa nào. Ban đầu em chỉ vẽ những đường nét ngẫu hứng theo trí tưởng tượng của bản thân. Dần dà, Tấn thường xuyên lên Youtube để tham khảo, xem những clip dạy vẽ những thể loại khác nhau và tập vẽ theo. 

 

Một số bức họa tiêu biểu của sinh viên Thân Văn Tấn

Không chỉ dừng lại ở thể loại Doodle Art, Văn Tấn còn thử sức với phong cách vẽ phối cảnh hai điểm tụ và tranh 3D. Ngoài ra, Văn Tấn còn được rất nhiều bạn bè trong và ngoài lớp nhờ vẽ cả hình giả xăm lên tay. “Vì em vẽ bằng bút bi đen nhìn rất giống hình xăm thật nên các bạn đều nhờ em vẽ một hình nho nhỏ lên tay. Những hình này em vẽ rất nhanh, chỉ mất tầm 10-20 phút để xong một hình. Tuy vẽ bằng bút mực dễ phai nhanh, nhưng nếu giữ cẩn thận vẫn có thể lưu được trên da từ 1-2 ngày”, Văn Tấn cho biết.

Mỗi tác phẩm được hoàn thành, Văn Tấn lại chia sẻ với một nhóm các bạn đam mê hội họa trên mạng xã hội Facebook với mục đích giao lưu, học hỏi. Vì là chỉ vẽ theo sở thích nên Văn Tấn rất bất ngờ khi biết những bức ảnh chụp tác phẩm của mình lại được lan truyền trên mạng internet với tốc độ chóng mặt như vậy. 

Phát hiện ra năng khiếu của mình cũng đúng vào thời điểm bước vào đại học. Bởi thế, Văn Tấn đã tìm hiểu khá kỹ các trường đại học đào tạo Thiết kế Đồ họa để có thể giúp bản thân phát huy năng lực hội họa. “Em có chị họ đang là sinh viên năm 2 ngành Tiếng Anh Du lịch tại Đại học Duy Tân nên chị đã tư vấn cho em rất nhiều về việc chọn trường đại học. Việc trường hợp tác với ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội để cùng hỗ trợ nhau trong đào tạo và trao đổi sinh viên cũng là một điểm nhấn giúp em tự tin khi chọn Đại học Duy Tân. Em được biết, Đại học Duy Tân rất mạnh về đào tạo Công nghệ Thông tin nên trong quá trình học, em sẽ học hỏi để sử dụng thành thạo một số phần mềm trên máy tính để phục vụ công việc của mình. Chắc chắn rồi, em sẽ tiếp tục thử sức ở nhiều thể loại hội họa khác nhau để được vẽ theo sở thích và cũng là để thăng hoa tinh thần làm việc trong tương lai”, Văn Tấn cho biết.

(Nguồn: https://duytan.edu.vn/)